Lấy bối cảnh nước Mỹ thập niên 1950, 1960 theo mốc thời gian trong tiểu thuyết gốc, phim cũng có ý nghĩa xã hội đối với thời nay.
Ngoài đời thực, khi thế giới dần được bê tông hóa cùng với tiến trình hiện đại hóa, những không gian dành cho thiên nhiên hoang dã dần bị thu hẹp, các loài chim và muông thú cũng không còn đất để phát triển tự nhiên, dần dần vắng bóng.
Còn trong phim, khán giả được chứng kiến một cô gái yêu thiên nhiên, sống hòa làm một với thiên nhiên, dành cả cuộc đời để quan sát, vẽ và ghi chép về các loài sinh vật, đấu tranh hết mình để bảo tồn thiên nhiên đồng lầy không bị xâm phạm bởi những dự án kinh tế mới như xây khách sạn, khu nghỉ dưỡng.
Chắc hẳn không phải là trùng hợp, khi phim kể hai câu chuyện song song: Kya bảo vệ đồng lầy trước sự xâm phạm của những chủ doanh nghiệp muốn lấp bỏ nó, và Kya bảo vệ chính mình trước sự xâm phạm của người đàn ông nhân danh tình yêu tìm đến cô.
Kya có biệt danh “cô gái đồng lầy”, đồng lầy và cô như hai mà một, nên đây thực chất là cùng một cuộc tranh đấu. Khi thử thách cuộc đời giáng xuống, cô gái vốn ngây thơ, nhu mì, dễ bị bắt nạt cũng có thể trở nên rất mạnh mẽ.
Phim có hình tượng rất hay về loài đom đóm, loài sinh vật bé nhỏ nhưng có ánh sáng thu hút mạnh mẽ và tập tính lạ kỳ, tương đồng một phần với nhân vật. Và sách, thì kết lại với cảnh một nhân vật “dõi theo hàng trăm con đom đóm vẫy gọi sâu trong bóng tối hun hút của đồng lầy. Thật xa ngoài kia, là nơi loài tôm hát”.