Phim Dạ Cổ Hoài Lang do Hoài Linh, Chí Tài đóng chính.
Dạ cổ hoài lang là dự án được nhiều khán giả trông đợi từ khi công bố trailer hồi đầu năm. Ý tưởng chuyển thể được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ấp ủ nhiều năm trước, khi anh xem vở kịch cùng tên trên sân khấu 5B Võ Văn Tần. Phim khởi quay từ cuối năm 2015, quy tụ các tên tuổi gạo cội như Nghệ sĩ Ưu tú Hoài Linh, Chí Tài, Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Hoàng cùng dàn diễn viên trẻ như Đình Hiếu, Will, Oanh Kiều…
Giữ lại hầu hết tình tiết trong kịch bản gốc, phim xoáy vào nỗi lòng của nhiều kiều bào đau đáu nỗi nhớ quê, cùng những mâu thuẫn về tư tưởng giữa thế hệ già – trẻ trong gia đình nơi đất khách.
Ông Tư Lành (Hoài Linh) bán ruộng đất, nhà cửa để sang New York, Mỹ sống cùng con cháu. Giữa thành phố hiện đại, ông cùng Năm Triều (Chí Tài) – người bạn từ thuở niên thiếu – tìm về khung cảnh làng quê qua những dòng hồi tưởng. Lòng ông vẫn chôn chặt mối tình dành cho người vợ quá cố. Trong khi đó, cô cháu Tammy (Trish Le) – người sống ở Mỹ từ nhỏ – ngày càng cảm thấy cách biệt, xa lạ với ông nội về lối sống, tâm tính.
Diễn cạnh Hoài Linh, Chí Tài không làm nên đối trọng về mặt cảm xúc trong những cảnh tâm lý nặng. Ở cảnh bi cuối phim, nhân vật Năm Triều chưa lột tả được cảm giác thảng thốt và đau đớn. Lối diễn của anh cũng không khiến người xem hình dung thật rõ về mối quan hệ khăng khít giữa Tư Lành và Năm Triều. Họ không chỉ là bạn bè, tình địch, mà còn là hai ông già lạc lõng trên đất Mỹ, sống nương tựa vào nhau bằng dòng hồi ức lấp lánh về quê hương.
Điểm khác biệt của phiên bản điện ảnh so với vở kịch gốc là những phân cảnh quá khứ, được thể hiện bởi bộ ba diễn viên Đình Hiếu, Will, Oanh Kiều. Chuyện tình tay ba lồng vào khung cảnh miệt vườn: ao làng, đám rước dâu trên ghe, gánh hát cổ… Đan xen giữa hiện tại – quá khứ là sự đối lập của màu trắng từ tuyết lạnh và sắc xanh của cỏ lá, bầu trời làng quê.